Tin Tức · 6 min read
Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm chức năng thận phổ biến
1. Xét nghiệm chức năng thận là gì?
Xét nghiệm chức năng thận chỉ một loạt các xét nghiệm máu hoặc nước tiểu được thực hiện nhằm đánh giá hoạt động của thận, từ đó đưa ra các kết luận chính xác nhất về tình hình sức khỏe của người bệnh để có phương án điều trị phù hợp.
2. Khi nào cần phải xét nghiệm chức năng thận?
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh đi làm xét nghiệm chức năng thận trong một số trường hợp như sau:
- Người bệnh có các dấu hiệu sưng hoặc bọng mắt, đặc biệt là xung quanh mắt hoặc ở mặt, cổ tay, bụng, đùi hoặc mắt cá chân.
- Người bệnh đi tiểu mà trong nước tiểu có bọt, có máu hoặc có màu nâu sẫm, lượng nước tiểu ít so với bình thường.
- Người bệnh có các vấn đề khi đi tiểu như: cảm giác nóng rát hoặc tiết dịch bất thường khi đi tiểu, hoặc thay đổi số lần đi tiểu, tiểu đêm nhiều.
- Đau ở vị trí giữa lưng, dưới xương sườn vì đây là vị trí ở gần thận.
- Khi thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cơ bản, trong đó có xét nghiệm chức năng thận.
- Người bệnh có tiền sử gia đình có các bệnh di truyền về thận hoặc có người thân bị bệnh suy thận.
- Người bệnh đã từng can thiệp thủ thuật, phẫu thuật ở hệ tiết niệu hoặc các cơ quan khác trong bụng.
- Người có bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc lâu ngày.
3. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm chức năng thận phổ biến
Các xét nghiệm chức năng thận được chia thành hai nhóm chính là xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Cụ thể như sau:
3.1. Xét nghiệm máu:
- Xét nghiệm Ure máu: Đây là một xét nghiệm thường quy và rất được quan tâm trên lâm sàng, dùng để định lượng nồng độ Urea Nitrogen có trong máu. Chỉ số Ure máu bình thường nằm trong khoảng từ 2,5 đến 7,5 mmol/l. Chỉ số này càng cao thì có nghĩa là chức năng thận càng kém, hàm lượng protein trong cơ thể quá cao hoặc cơ thế thiếu nước dẫn đến quá trình lưu thông kém. Ngược lại, nếu chỉ số này thấp hơn so với mức trung bình thì có thể bạn đang bị suy dinh dưỡng hoặc các bệnh lý về gan.
- Xét nghiệm Creatinin máu: Xét nghiệm này thường được làm song song cùng với xét nghiệm Ure máu, mục đích là để chẩn đoán và đánh giá tình trạng suy thận. Giá trị bình thường của Creatinin máu ở người trưởng thành là từ 53-115 µmol/L.
- Điện giải đồ: Là xét nghiệm dùng để đo nồng độ các chất điện giải trong cơ thể (Natri, Kali, Clo), giúp theo dõi và điều trị một số bệnh lý như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý gan, thận và sự cân bằng điện giải của cơ thể.
- Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan: Rối loạn kiềm toan là tình trạng mất cân bằng các chỉ số pH, PaCO2 và HCO3 trong cơ thể. Độ toan kiềm bình thường của dịch cơ thể là trung tính pH 7,35-7,45, toan (acid) khi pH < 7,35, kiềm (base) khi pH >7,45). Khi chỉ số pH > 7,8 hoặc < 6,8 cơ thể sẽ không tồn tại sự sống.
- Xét nghiệm Acid Uric: Xét nghiệm này nhằm định lượng acid uric trong cơ thể người, làm cơ sở để chẩn đoán, theo dõi quá trình điều trị bệnh Gout hoặc quá trình hóa trị, xạ trị của bệnh nhân ung thư. Chỉ số Acid Uric bình thường ở nam giới là từ 210 đến 420 umol/L; đối với nữ giới là từ 150 đến 350 umol/L.
- Xét nghiệm Albumin: Albumin là một protein quan trọng và chiếm phần lớn trong tổng số protein của toàn cơ thể. Xét nghiệm albumin giúp chẩn đoán và đánh giá nhiều bệnh lý về gan, thận, hội chứng giảm hấp thu. Giá trị albumin ở người trưởng thành khỏe mạnh là từ 3,4 đến 5,4 g/dL.
- Xét nghiệm Protein toàn phần huyết tương: Xét nghiệm này giúp đo tổng lượng protein trong máu hoặc phân tích thành phần protein trong huyết thanh. Protein toàn phần trong máu người bình thường là từ 66 đến 87 g/L.
3.2. Xét nghiệm nước tiểu:
- Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu phân tích các thành phần sinh hóa có trong nước tiểu. Đây là một xét nghiệm thường quy không thể thiếu khi muốn kiểm tra đánh giá tình hình sức khỏe của người bệnh, dùng để xác định tình trạng nhiễm trùng thận và đường tiết niệu, hoặc các bệnh lý khác gây thay đổi thành phần trong nước tiểu.
- Định lượng Protein niệu 24h: Giúp định lượng protein lọt qua cầu thận hoặc các cấu trúc khác của đường tiết niệu đi vào nước tiểu trong khoảng thời gian liên tục 24h. Định lượng Protein niệu 24h có thể giúp phát hiện các tổn thương thận – cầu thận hoặc các bệnh lý khác của đường tiết niệu. Lượng protein toàn phần trong nước tiểu ở mức bình thường là < 150 mg/24 giờ.
4. Xét nghiệm kiểm tra thận ở đâu?
Với đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, Mỹ Đức Lab là địa chỉ được nhiều khách hàng tin cậy. Bên cạnh đó, cơ sở triển khai dịch vụ lấy mẫu tại nhà giúp khách hàng thêm thuận tiện, không cần mất thời gian đi lại, chờ đợi.
Để đặt lịch khám, Qúy khách hàng có thể liên hệ gọi điện trực tiếp đến tổng đài 0943 009 105 hoặc nhận tư vấn online qua Zalo: 0943 009 105 hoặc Facebook: https://www.facebook.com/myduclab để được tư vấn và đội ngũ kỹ thuật viên của Mỹ Đức Lab lấy mẫu trực tiếp tận nhà, luôn sẵn lòng phục vụ quý khách.