Tin Tức · 10 min read

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Những điều cần biết

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 4 đối với phụ nữ trên toàn thế giới, nhưng theo thời gian, nó trở thành một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa nhất. Vậy nên tầm soát ung thư cổ tử cung từ khi nào và thực hiện ra sao?

Tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện mỗi 3 năm (dùng xét nghiệm Pap) hoặc mỗi 5 năm (sử dụng xét nghiệm HPV). Tuy phụ nữ trong khoảng độ tuổi 21-29 không cần thực hiện xét nghiệm HPV khi không có dấu hiệu bất thường từ khám và xét nghiệm khá.

tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-can-biet

Ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi

  • Những người có mụn cóc ở bộ phận sinh dục, hậu môn, âm đạo hoặc cổ tử cung
  • Cá nhân quan hệ tình dục không an toàn hoặc có nhiều bạn tình
  • Những người có tiền sử nhiễm HPV
  • Những người có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm HIV, giang mai, lậu, mụn cóc sinh dục, herpes, v.v.
  • Phụ nữ mang thai và những người đang có kế hoạch mang thai
  • Phụ nữ có kết quả xét nghiệm Pap bất thường

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là dạng ung thư khởi phát tại cổ tử cung - khe hẹp nối âm đạo và tử cung. Cổ trong cổ tử cung bình thường sẽ có màu hồng khỏe mạnh với lớp tế bào vảy mỏng và phẳng. Ống cổ tử cung được tạo thành bởi một dạng tế bào khác gọi là tế bào trụ. Khu vực giao nhau của hai dạng tế bào này được gọi là khu chuyển đổi, chính là nơi các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư dễ phát triển nhất.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung (80 - 90%) là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư tế bào tuyến là dạng ung thư phổ biến thứ hai của ung thư cổ tử cung, được ghi nhận khoảng 10 - 20% số ca. Dạng ung thư này phát triển từ các tuyến tiết chất nhờn trong ống cổ tử cung. Mặc dù ít phổ biến hơn ung thư biểu mô tế bào vảy, tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tuyến đang gia tăng, đặc biệt là ở các bạn nữ tuổi đời còn trẻ.

tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-can-biet-2

Mỗi năm có hơn 13 ngàn phụ nữ ở Hoa Kỳ bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung, và hơn 4 ngàn ca tử vong. Tử vong do ung thư cổ tử cung ở Hoa Kỳ tiếp tục giảm khoảng 2% mỗi năm. Sự suy giảm này chủ yếu là do việc áp dụng rộng rãi xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) để phát hiện bất thường cổ tử cung và cho phép điều trị sớm. Hầu hết những phụ nữ có sự thay đổi tế bào cổ tử cung bất thường tiến triển thành ung thư cổ tử cung chưa bao giờ làm xét nghiệm Pap hoặc chưa từng kiểm tra trong ba đến năm năm trước khi bị chẩn đoán ung thư.

Ung thư cổ tử cung có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trung niên. Nó thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 44. Bệnh hiếm khi ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 20 tuổi và hơn 15% chẩn đoán được thực hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi. Nhưng ở nhóm phụ nữ trên 65 tuổi, ung thư thường xảy ra ở phụ nữ đã không làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

2.1. Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV - một loại virus xâm nhập vào tế bào và có thể khiến các tế bào biến đổi. Một số loại HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng. Các chủng HPV có khả năng gây ung thư được gọi là “chủng có nguy cơ cao.”

HPV lây truyền từ người này sang người khi hoạt động tình dục. Điều này rất phổ biến và hầu hết những người có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm virus HPV trong đời. Nhiễm virus HPV thường không gây ra triệu chứng. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi. Những bệnh nhiễm virus ngắn hạn này thường chỉ gây ra những thay đổi nhẹ (ở mức độ thấp) trong các tế bào cổ tử cung. Các tế bào trở lại bình thường khi nhiễm HPV bị loại bỏ. Nhưng ở một số phụ nữ, HPV không biến mất. Trong trường hợp người bệnh nhiễm phải chủng HPV có nguy cơ cao tồn tại trong một thời gian dài, nó có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng hơn (nguy cơ cao) trong các tế bào cổ tử cung. Những thay đổi này có nhiều khả năng dẫn đến ung thư.

2.2. Tại sao xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung lại vô cùng quan trọng?

Thường sẽ mất từ 3-7 năm để các thay đổi nguy cơ cao trong các tế bào cổ tử cung biến đổi thành ung thư. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện những thay đổi này trước khi chúng trở thành ung thư. Phụ nữ có những thay đổi nguy cơ thấp có thể được kiểm tra thường xuyên hơn để xem liệu tế bào của họ có trở lại bình thường hay không. Phụ nữ có những thay đổi nguy cơ cao có thể được điều trị để loại bỏ các tế bào.

tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-can-biet-3

2.3. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear, tùy theo chỉ định của bác sĩ), và đối với một số phụ nữ, xét nghiệm HPV. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung. Quá trình sàng lọc rất đơn giản và nhanh chóng. Bạn nằm trên một cái ghế đặc biệt và một thiết bị gọi là mỏ vịt được sử dụng để mở âm đạo. Mỏ vịt giúp các bác sĩ có một cái nhìn rõ ràng về cổ tử cung và phần trên âm đạo.

Các bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải chuyên dụng hoặc các thiết bị khác để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu tế bào cổ tử cung này sẽ được bảo quản trong một ống chứa dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-can-biet-4

Đối với xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear), mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào bất thường nào không.

Đối với xét nghiệm HPV, mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của 13-14 chủng HPV nguy cơ cao.

2.4. Nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao nhiêu lâu một lần và nên làm xét nghiệm nào?

Thời điểm thực hiện và loại xét nghiệm phụ thuộc vào tuổi và bệnh sử của bạn.

  • Các bạn nữ từ 21 - 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo.
  • Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời mỗi 5 năm (ưu tiên). Hoặc người bệnh có thể làm mỗi xét nghiệm Pap mỗi 3 năm cũng được.

2.5. Khi nào nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Phụ nữ nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu không có tiền sử tế bào cổ tử cung bất thường mức độ trung bình hoặc cao hay kết quả ác tính và bạn đã có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm đồng âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần đây nhất được thực hiện trong vòng 5 năm qua.

2.6. Đã phẫu thuật cắt tử cung thì có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung không?

Nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt tử cung thì vẫn có thể cần sàng lọc. Quyết định này dựa trên việc liệu cổ tử cung đã được cắt bỏ hay chưa, nguyên nhân cần phải cắt bỏ tử cung và liệu có tiền sử thay đổi tế bào cổ tử cung mức độ vừa hay nặng hay ung thư cổ tử cung.

Ngay cả khi cổ tử cung đã bị cắt bỏ tại thời điểm cắt bỏ tử cung, các tế bào cổ tử cung vẫn có thể có mặt ở phía trên của âm đạo. Nếu có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc thay đổi tế bào cổ tử cung, vẫn nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật.

2.7. Phải làm gì nếu có kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường?

Nhiều phụ nữ có kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường. Một kết quả bất thường không có nghĩa là bị ung thư. Sự thay đổi tế bào cổ tử cung thường trở lại bình thường. Và nếu chúng không trở lại bình thường, thường phải mất vài năm để những thay đổi nguy cơ cao trở thành ung thư.

Nếu đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, xét nghiệm bổ sung cần phải được chỉ định để tìm hiểu xem những biến đổi nguy cơ cao hoặc ung thư thực sự có mặt hay không. Đôi khi, chỉ cần lặp lại xét nghiệm là đủ. Trong các trường hợp khác, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung có thể được khuyến nghị để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của các biến đổi này.

Nếu kết quả xét nghiệm theo dõi cho thấy những biến đổi nguy cơ cao, người bệnh có thể cần điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường. Cần xét nghiệm theo dõi sau khi điều trị và sẽ cần được kiểm tra ung thư cổ tử cung thường xuyên sau khi quá trình theo dõi hoàn tất.

2.8. Kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung chính xác đến mức nào?

Như với bất kỳ xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm, kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi, kết quả cho thấy các tế bào bất thường trong khi các tế bào bình thường. Đây được gọi là một kết quả “dương tính giả”. Sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng có thể không phát hiện ra các tế bào bất thường khi chúng có mặt. Đây được gọi là một kết quả “âm tính giả”.

Để giúp ngăn ngừa kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả, người bệnh nên tránh thụt rửa, quan hệ tình dục và sử dụng thuốc đặt âm đạo hoặc các sản phẩm vệ sinh trong 2 ngày trước khi thử nghiệm. Cũng nên tránh làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung khi đang có kinh nguyệt.

Liên hệ ngay Phòng khám chuyên khoa xét nghiệm Mỹ Đức khi Quý khách có bất kì thắc mắc hoặc thông tin nào cần tư vấn!!!

Để đặt lịch quý khách có thể đến trực tiếp Phòng khám chuyên khoa xét nghiệm Mỹ Đức tại 240 Hoàng Văn Thụ, thành phố Quy Nhơn hoặc liên hệ tổng đài 0943 009 105 để được cung cấp thông tin chi tiết và tư vấn phù hợp.

    Share:
    Trở lại trang trước

    Bài viết mới nhất

    Tất cả bài viết »
    Khi nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?

    Khi nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?

    Thiếu vi chất ở trẻ em ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ trong tương lai vì vậy cha mẹ có thể xét nghiệm vi chất cho bé tại bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi trẻ đang khỏe mạnh để cập nhật tình trạng phát triển của trẻ.